Trong chiến tranh cũng như trong quá trình xây dựng và phát triển quê hương, thị xã Hương Trà có vị trí chiến lược hết sức quan trọng đối với phát triển kinh tế - xã hội. Phía đông Hương Trà giáp thành phố Huế; phía Tây giáp huyện Phong Điền; Phía Nam giáp thị xã Hương Thủy và huyện A Lưới và phía Bắc giáp huyện Quảng Điền.
Trong lộ trình xây dựng Thừa Thiên Huế trở thành thành phố trực thuộc trung ương theo Nghị quyết 54 của Bộ Chính trị và mới đây, theo quy hoạch chung đô thị Thừa Thiên Huế đến năm 2045, tầm nhìn đến năm 2065 đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt tại Quyết định số 108, ngày 26/01/2024, thị xã Hương Trà là một trong 3 thị xã của tỉnh có chức năng là đô thị trực thuộc để bảo tồn, hỗ trợ đô thị trung tâm, phát huy giá trị đặc sắc cố đô và di sản văn hóa vật thể, phi vật thể đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận và định hướng đến năm 2030, Hương Trà đạt đô thị loại III để phát triển kinh tế, bảo tồn, hỗ trợ bảo tồn, phát huy giá trị đặc sắc cố đô và di sản văn hóa vật thể, phi vật thể đã được Tổ chức Giáo dục, Khoa học và Văn hóa của Liên hợp quốc (UNESCO) công nhận.
Với vị trí, vai trò và tiềm năng, thế mạnh sẳn có, trong những năm qua, thực hiện Nghị quyết 54 của Bộ chính trị, Đảng bộ, Chính quyền và nhân dân toàn thị xã đã phát huy truyền thống đoàn kết, tranh thủ các nguồn lực đầu tư của Trung ương, của tỉnh và khai thác, sử dụng hiệu quả các nguồn nội lực của địa phương đã tập trung đầu phát triển kinh tế - xã hội nhanh và bền vững. Trong đó, nét nổi bật là qua rà soát, đánh giá các tiêu chí phân loại đô thị đối với thị xã Hương Trà, tổng số điểm đạt 88,22/100 điểm, trong đó khung điểm theo quy định yêu cầu đạt từ 75 – 100 điểm, như vậy, thị xã Hương Trà đã đạt 5 tiêu chí và 63 tiêu chuẩn về phân loại đô thị loại IV thị xã Hương Trà theo quy định trong Nghị quyết số 26 ngày 21/09/2022 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về sửa đổi, bổ sung một số điều của nghị quyết số 1210 ngày 25 tháng 5 năm 2016 của ủy ban thường vụ quốc hội về phân loại đô thị.
Để có được những kết quả nổi bật nói trên, Hương Trà đã tập trung huy động nguồn lực, đẩy mạnh phát triển kinh tế - xã hội, giữ vững quốc phòng - an ninh với những thành tựu đáng ghi nhận. Nổi bật là cơ cấu kinh tế chuyển dịch đúng hướng: Công nghiệp, tiểu thủ công nghiệp - Thương mại, dịch vụ, du lịch và nông nghiệp. Trong đó, ngành công nghiệp được xác định là ngành kinh tế mũi nhọn có tác dụng thúc đẩy các ngành kinh tế khác phát triển. Với tiềm năng, thế mạnh về địa chính trị, nguồn lao động dồi dào và chất lượng lao động ngày càng nâng cao, thị xã đã tập trung đẩy nhanh tiến độ hoàn thành Quy hoạch các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn, đến nay đã hoàn thành quy hoạch chi tiết 1/500 cụm công nghiệp Bình Thành với quy mô 32 héc ta; khu công nghiệp, cụm công nghiệp Tứ Hạ đã được UBND tỉnh phê duyệt chủ trương đầu tư, đồng thời thị xã đề xuất thành lập mới cụm công nghiệp ở Hương Xuân (58ha), Hương Văn (24,3ha), mở rộng cụm công nghiệp Tứ Hạ (giai đoạn 3, quy mô 17,7ha)...để thu hút đầu tư, tăng năng lực sản xuất mới cho ngành công nghiệp. Đi đôi với đẩy nhanh quy hoạch, thị xã Hương Trà đã ban hành nhiều chủ trương, chính sách ưu tiên nhằm kêu gọi, thu hút các nhà đầu tư lớn vào địa bàn, đến nay, có khoảng 200 doanh nghiệp đang đầu tư, hoạt động sản xuất kinh doanh hiệu quả tại các khu, cụm công nghiệp trên địa bàn, đưa giá trị sản xuất ngành công nghiệp 2021 – 2023 đạt 4.300 tỷ đồng, tăng 16,1%.
Trong giai đoạn 2021 – 2023 cũng đánh sự phát triển đột phá của ngành thương mại dịch vụ, du lịch ở Hương Trà. Đến nay, toàn thị xã có hơn 600 hộ đăng ký kinh doanh, buôn bán nhỏ lẻ, tạo việc làm cho hàng trăm lao động địa phương, với đa dạng các ngành nghề kinh doanh, như: Dịch vụ nhà hàng, ăn uống, cơ khí, buôn bán vật liệu xây dựng, tạp hóa, dịch vụ vật tư nông nghiệp, kinh doanh xe máy, đại lý ô tô, xe điện…nhằm để thúc đẩy thương mại, dịch vụ phát triển, thị xã đã tập trung huy động các nguồn lực đầu tư, nâng cấp, phát triển kết cấu hạ tầng giao thông đồng bộ, tạo thuận lợi cho giao thương hàng hóa; khuyến khích các hộ có nhà mặt đường mở rộng sản xuất, kinh doanh đa dạng các mặt hàng đáp ứng nhu cầu mua sắm phục vụ sản xuất, tiêu dùng của Nhân dân trong và ngoài địa bàn. Ngoài ra, thị xã tích cực hỗ trợ các doanh nghiệp có tiềm năng đến đầu tư kinh doanh thương mại, dịch vụ trên địa bàn như: Dự án khu dân cư đô thị Hương Văn; khu dân cư Tây Nam Tứ Hạ; Trung tâm Thương mại Tứ Hạ; Khu phức hợp sản xuất dược - Công ty Hera, Dự án siêu thị GO; dự án logistics tại phường Hương Văn. Đặc biệt, năm 2022, Công ty CP Đất Xanh Miền Trung đã tổ chức Lễ động thổ khởi công dự án Khu dân cư Tứ Hạ - Hương Văn, đồng thời triển khai đầu tư xây dựng chợ đầu mối Bình Tiến, chợ La Chữ, chợ Tứ Hạ…Thương mại, dịch vụ phát triển đã làm thay đổi diện mạo đô thị và nông thôn ở Hương Trà, nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho nhân dân và đưa giá trị sản xuất ngành dịch vụ đến năm 2023 đạt 2.465 tỷ đồng, tăng 13,9%.
Cùng với phát triển dịch vụ, thương mại, lĩnh vực du lịch ở Hương Trà cũng đánh dấu sự khởi sắc rõ nét. Với tiềm năng và thế mạnh về cảnh quan thiên nhiên sẳn có, Hương Trà đã tích cực tìm hướng đi mới để phát triển dịch vụ, du lịch, đến nay đã hình thành một số mô hình trang trại sinh thái nông nghiệp gắn với du lịch, giáo dục, văn hoá như: C-Farm ở Hương Vân, Gee Garden ở Bình Thành, du lịch cộng đồng dân tộc Pahy tại thôn 2 xã Bình Tiến…Ngoài ra, còn có tour du lịch cộng đồng ở Quê Chữ phường Hương Chữ; du lịch sinh thái tại Khe Đầy - Bình Thành; suối Máu, suối Khe Tranh, Khe Lạnh, Khe Hung – Bình Tiến; Địa đạo Khu uỷ Trị Thiên - Hương Vân…thu hút đông đảo du khách đến tham quan, trải nghiệm.
Trên lĩnh vực sản xuất nông nghiệp đã ghi dấu ấn đậm nét, trong đó, nổi bật là chương trình tái cơ cấu ngành nông nghiệp gắn với chương trình mỗi xã, mỗi sản phẩm OCOP được chú trọng triển khai thực hiện hiệu quả. Bằng các chính sách ưu tiên hỗ trợ phát triển sản xuất nông nghiệp, trọng tâm là các mô hình sản nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ, an toàn Vietgap, đến nay trên địa bàn thị xã đã hình thành nhiều mô hình áp dụng quy trình sản xuất theo tiêu chuẩn VietGAP bước đầu mang lại hiệu quả, tăng thu nhập cho người nông dân như: mô hình trồng cam, quýt với quy mô 06 héc ta tại xã Hương Bình, Bình Thành, Bình Tiến. Hình thành vùng trồng ổi tập trung ở Hương Xuân, trong đó được cấp chứng nhận VietGAP là 05 héc ta; xây dựng vùng trồng chuối tiêu tập trung 1,5 ha theo hướng VietGAP tại Hương Vân. Có 5 sản phẩm đã được UBND tỉnh công nhận là sản phẩm chủ lực OCOP gồm: Bún Vân Cù, Bánh gói Hương Cần, Bưởi, Thanh Trà Hương Vân, Đậu lạc Hương Văn, Lúa chất lượng cao trên toàn thị xã. Trong đó có sản phẩm Ổi Hương Xuân, Bánh gói Hương cần được công nhận đạt tiêu chuẩn OCOP 3 sao, đưa giá trị sản xuất ngành nông nghiệp tăng bình quân 2,9%/năm.
Lĩnh vực văn hóa – xã hội, giáo dục y tế được quan tâm đầu tư phát triển toàn diện và không ngừng nâng cao chất lượng. Thông qua nguồn vốn đầu tư của nhà nước và vốn đầu tư của các doanh nghiệp, đến nay, trên địa bàn thị xã đã đầu tư đồng bộ hệ thống sân vận động, bể bơi, nhà thi đấu với tổng diện tích 33.105 m2, đáp ứng nhu cầu tổ chức các môn thể thao quần chúng như: bóng đá, bơi lội, cầu lông, bóng bàn trong các dịp lễ cũng như tập luyện thể thao cho các lứa tuổi. Phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa” gắn với cuộc vận động “Xây dựng nếp sống văn minh đô thị và nông thôn” đạt kết quả ấn tượng. Đến cuối năm 2023, có 93% hộ gia đình đạt chuẩn văn hóa; 90,3% thôn, tổ dân phố được công nhận đạt chuẩn văn hóa; 90,8% cơ quan, đơn vị, trường học, trạm y tế trên địa bàn đạt chuẩn văn hóa giai đoạn 5 năm trở lên. Chương trình mục tiêu quốc gia giảm nghèo bền vững được quan tâm triển khai thực hiện đồng bộ với nhiều giải pháp và đạt kết quả ấn tượng, đến cuối năm 2023, tỷ lệ hộ nghèo của thị xã chỉ còn 1,5%.
Hệ thống trường học được sắp xếp hợp lý theo quy hoạch. Cơ sở vật chất được quan tâm đầu tư đạt chuẩn, hiện đại. Chỉ tính riêng giai đoạn 2020-2023, thị xã đã ưu tiên bố trí hơn 100 tỷ đồng để đầu tư xây dựng 05 khu hiệu bộ và 74 phòng học cho 15 trường học trên địa bàn. Chất lượng giáo dục đại trà và mũi nhọn được nâng lên; số lượng cán bộ, giáo viên trên chuẩn ngày càng cao. Đến cuối năm 2023, thị xã có 29/38 trường đạt chuẩn quốc gia, đạt 76,3%, hiện đang hoàn thiện hồ sơ đề nghị công nhận 5 trường học đạt chuẩn quốc gia, nâng tổng số trường học đạt chuẩn quốc gia cuối năm 2024 là 34/38 trường.
Mạng lưới y tế từ thị xã đến các phường, xã được quan tâm nâng cao về chất lượng. Đến nay, trên địa bàn thị xã có có bệnh viện Bình Điền và Trung tâm y tế thị xã có quy mô diện tích trên 17.000 m2 với 100 giường. Có 09/09 trạm y tế phường, xã có bác sỹ; 100% phường, xã đạt chuẩn Bộ tiêu chí quốc gia về y tế. Nhìn chung, các cơ sở y tế đều có đội ngũ y bác sĩ, nhân viên y tế có trình độ chuyên môn cao, đồng thời được trang bị và làm chủ được nhiều thiết bị y tế hiện đại đáp ứng nhu cầu chăm sóc sức khỏe và khám chữa bệnh cho nhân dân trong và ngoài địa phương.
Chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị được xác định là 1 trong 5 chương trình kinh tế trọng điểm của thị xã. Những năm qua, với mục tiêu hoàn thành và nâng cao chất lượng 5 tiêu chí và 63 tiêu chuẩn của đô thị loại 4, ngoài ưu tiên thực hiện tốt các quy hoạch phân khu khu trung tâm thị xã và các xã, phường, thị xã đã bố trí nguồn vốn hơn 437 tỷ đồng để triển khai thi công trên 90 công trình, dự án trọng điểm về phát triển hạ tầng kinh tế xã hội nhằm tạo điểm nhấn cho đô thị Hương Trà như: Dự án Quảng trường và Nhà văn hoá trung tâm thị xã; dự án chỉnh trang tuyến QL1A (Hương Văn - Hương Chữ), chợ đầu mối Bình Điền; Dự án đường ven Sông Bồ (Tứ Hạ - Hương Toàn) các tuyến đường giao thông nội thị kết nối với QL1A, đầu tư điện chiếu sáng đường phía Tây Huế, QL49A, trung tâm các phường, xã, hệ thống trường học, chợ, trụ sở làm việc, các công trình thủy lợi, cây xanh, thoát nước, các công trình quốc phòng, an ninh với tổng vốn đầu tư toàn xã hội đạt khoảng 5.400 tỷ đồng. Nét nổi bật ở Hương Trà trong chương trình chỉnh trang và phát triển đô thị, đó là thực hiện phương châm “Nhà nước và Nhân dân cùng làm” trong giai đoạn 2021-2023, từ nguồn ngân sách thị xã và các phường, xã đã bố trí khoảng 55 tỷ đồng cùng với nguồn kinh phí đóng góp của nhân dân đã đầu tư hơn 100km đường bê tông giao thông ngõ kiệt, lắp đặt hệ thống điện chiếu sáng công cộng, đến nay, tỷ lệ đường phố chính được chiếu sáng chiếm 95,53%; Tỷ lệ ngõ kiệt khu vực nội thị được chiếu sáng 70,80%. Phong trào ra quân thực hiện ngày chủ nhật xanh gắn với ra quân lập lại trật tự đô thị, vệ sinh môi trường trở thành phong trào rộng khắp, được nhân dân đồng tình ủng hộ tham gia và duy trì thường xuyên, qua phong trào đã nâng cao ý thức, tinh thần trách nhiệm của nhân dân trong công tác bảo vệ môi trường, nhờ đó nhiều điểm đen về ôi nhiễm môi trường đã được xử lý dứt điểm. Đến nay, tỷ lệ thu gom xử lý chất thải rắn, nhất là chất thải nguy hại được xử lý, tiêu hủy, chôn lấp an toàn sau xử lý, tiêu hủy đạt 100%. Tỷ lệ chất thải rắn sinh hoạt được thu gom xử lý đạt 93,49%. Tỷ lệ chất thải y tế được xử lý, tiêu hủy, chôn lấp an toàn sau xử lý, tiêu hủy đạt 100%, đến cuối năm 2023, toàn thị xã có 30 tuyến phố đã được công nhận tuyến phố văn minh đô thị trên 79 tuyến phố chính, tỷ lệ tuyến phố văn minh đô thị đạt 37,97%. Chương trình xây dựng xã đạt chuẩn nông thôn mới, phường đạt chuẩn đô thị văn minh đạt kết quả khả quan, đến nay toàn thị xã 03/5 phường được công nhận danh hiệu “Phường đạt chuẩn đô thị văn minh”, 02/4 xã đã được công nhận xã đạt chuẩn nông thôn mới, hiện nay, thị xã đã hoàn chỉnh hồ sơ đề nghị UBND tỉnh công nhận 2 xã Bình Tiến và Bình Thành đạt chuẩn nông thôn mới và hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới và có 01 phường được công nhận phường đô thị văn minh trong năm 2024, tất cả đó đã và đang góp phần làm thay đổi diện mạo bộ mặt đô thị và nông thôn Hương Trà ngày thêm khởi sắc.
Có thể khẳng định, những đổi thay rõ nét của thị xã Hương Trà trên các lĩnh vực kinh tế - xã hội và sự khởi sắc về hạ tầng đô thị, nông thôn, tất cả đó không chỉ đáp ứng yêu cầu đạt 5 tiêu chí và 63 tiêu chuẩn của đô thị loại 4 mà đang góp sức cùng Đảng bộ, chính quyền và nhân dân toàn tỉnh đưa Thừa Thiên Huế sớm trở thành thành phố trực thuộc trung ương trước năm 2025 theo lộ trình đã đề ra.
Văn Vinh
Ý kiến bạn đọc
Những tin mới hơn
Những tin cũ hơn